Phát hiện mới về nguyên nhân gây ra mụn trứng cá
Từ trước đến nay, nhiều người vẫn cho rằng hầu hết khi đến tuổi dậy thì, ai cũng sẽ có mụn trứng cá, tuy nhiên, theo như kết quả nghiên cứu mới nhất của nhiều nhà khoa học trên thế giới thì không phải là như vậy.
- Những nguyên tắc về cách chăm sóc da vào mùa hè
- Những loại thực phẩm tưởng như vô hại nhưng ẩn chứa nguy cơ
Vào năm 2016, trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Inflammation, các nhà khoa học đã tìm ra được nguyên nhân tại sao vi khuẩn trên da chỉ gây nên viêm nhiễm và mụn trứng cá ở một số người trong độ tuổi trưởng thành mà không phải là ở những người khác. Với kết quả của cuộc nghiên cứu này có thể sẽ dẫn đến các phương pháp điều trị mụn trứng cá mới trong tương lai, theo Science Alert.
Trên thực tế, da của chúng ta luôn được bao phủ bởi một lớp vi khuẩn. Da là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn vào cơ thể.
Theo như tiết lộ của Richard Gallo, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học California, San Diego (Mỹ), ông và các cộng sự của mình đã phát hiện được ra rằng, vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes) sống trên da của chúng ta nếu ở điều kiện bình thường thì vô hại, nhưng nó sẽ bắt đầu sinh sôi, nảy nở và gây nên hiện tượng viêm và mụn trứng cá khi bị mắc kẹt trong môi trường bã nhờn (dầu trên da), chẳng hạn như nang lông. Vì không phải nang lông của tất cả mọi người đều giống nhau nên không phải ai cũng bị mụn trứng cá, có người có, có người không, người bị ít, người bị nhiều. Một số người chỉ đơn giản là có nang lông kém thông thoáng hơn so với những người khác.
Hầu hết tất cả chúng ta đều có vi khuẩn P. acnes trên da, đặc biệt là vùng da trên khuôn mặt, nhưng nó không phải lúc nào cũng gây ra mụn trứng cá. Do đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm vi khuẩn này trong một loạt các điều kiện trên da chuột.
Tại đây, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, khi bị mắc kẹt trong môi trường thiếu không khí trên tế bào da, vi khuẩn P. acnes sẽ biến bã nhờn thành các axit béo, kích hoạt sự viêm nhiễm ở các tế bào da gần đó. Thông thường hiện tượng viêm nhiễm này sẽ được dập tắt bằng các enzyme gọi là histone deacetylases. Nhưng axit béo do vi khuẩn P. acnes tạo ra làm bất hoạt các enzyme này, khiến hiện tượng viêm nhiễm không thể kiểm soát, là nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá đỏ và ngứa.
Theo Holger Brüggemann, một chuyên gia đầu ngành về vi khuẩn sống trên da tại Đại học Aarhus, Đan Mạch, cho biết, kết quả nghiên cứu đã giải thích một cách rõ ràng, cụ thể nhất về lý do vì sao ở độ tuổi dậy thì chúng ta lại dễ bị mụn trứng cá đến như vậy. Bởi vì các hormone giới tính của chúng ta trong giai đoạn này đã khiến cơ thể sản sinh quá nhiều bã nhờn trên da, cung cấp thêm nguồn “thức ăn” vô cùng lí tưởng cho vi khuẩn P. acnes.
Hiện nay, theo ghi nhận, các bác sĩ tại trường đại học Y Hà Nội, các bác sĩ của trường cao đẳng y Sài Gòn, Bệnh viện Bạch Mai đang tiến hành điều trị tình trạng mụn trứng cá nghiêm trọng bằng một trong hai loại thuốc bao gồm: thuốc điều chỉnh hormone hoặc thuốc isoretinoin – được biết đến nhiều hơn với tên gọi Roaccutane. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc trên đều đi kèm cùng với tác dụng phụ, còn ở mức độ ít hay nhiều thì phải phụ thuộc vào từng loại thuốc và tình trạng của người bệnh.
Vậy nên để giảm thiểu tình trạng mụn trứng cá trên mặt, mọi người cần phải đảm bảo chế độ vệ sinh sạch sẽ, loại bỏ phần da chết và các chất cặn bã tồn đọng trong nang lông bằng cách sử dụng các loại sữa tắm, sữa rửa mặt để tẩy chất nhờn, mồ hôi và da chết phù hợp. Lựa chọn chất liệu vải mền mại, dễ thấm mồ hôi để lau mặt thường xuyên, nên tắm rửa hàng ngày và thấm khô người ngay sau khi chơi thể thao hay vận động mạnh.
Ngoài ra, cũng cần phải điều chỉnh lại chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, học tập cho phù hợp. Không nên thức quá khuya mà nên đi ngủ sớm, tránh căng thẳng, không uống rượu bia, các chất kích thích như café tránh để ảnh hưởng đến sức khỏe, nên ăn nhiều rau quả mát, uống đủ 2-3 lít nước lọc trong một ngày. Nếu như mụn trứng cá xuất hiện nhiều và gây ra một số hiện tượng viêm, sung, ngứa… thì bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu để được tư vấn, khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Nguồn: Tổng hợp.